Thống kê truy cập
Đang truy cập: 46
Trong ngày: 68
Trong tuần: 423
Lượt truy cập: 36616

Dự án Đầu tư xây dựng xưởng sản xuất gốm Bồ Bát của Công ty TNHH Bảo tồn và phát triển gốm Bồ Bát


     Công ty TNHH Bảo tồn và phát triển gốm Bồ Bát (trước đây là Doanh nghiệp tư nhân Gốm Bồ Bát) có địa chỉ tại thôn Bạch Liên, xã Yên Thành, huyện Yên Mô được thành lập năm 2011. Năm 2018, Công ty được vay vốn từ  Quỹ Đầu tư phát triển Ninh Bình để thực hiện dự án “Đầu tư xây dựng xưởng sản xuất gốm Bồ Bát”. Dự án này không chỉ đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở cho doanh nghiệp mà còn góp phần khôi phục, phát triển mở rộng sản xuất kinh doanh, bảo tồn và phát triển làng nghề; tạo công ăn việc làm cho lao động tại chỗ; đồng thời cũng góp phần tạo sự chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế nông thôn.

     Làng gốm Bồ Bát thuộc thôn Bạch Liên, xã Yên Thành, huyện Yên Mô. Yên Thành là xã miền núi, nằm ở phía tây nam huyện Yên Mô, nơi đã phát hiện và khai quật di chỉ khảo cổ học Mán Bạc nổi tiếng. Diện tích đất nông nghiệp của xã chiếm trên 50%, đa dạng về loại đất nhưng đặc biệt nhất là có lượng đất sét trắng dồi dào - là cơ sở cho việc hình thành và phát triển làng nghề gốm truyền thống từ xa xưa.

     Theo sử sách ghi lại, làng gốm Bồ Bát (thời đó thuộc phủ Trường Yên) đã nổi danh từ cách đây hàng ngàn năm với những sản phẩm gốm sắc trắng độc đáo do các thợ tài hoa của làng sáng tạo ra. Điều này đã được xác nhận qua dấu tích của những lớp đất nung và mảnh gốm ken dày đặc đã được tìm thấy rất nhiều ở vùng này. Thời Lý - Trần, những người thợ tài hoa của làng đã sáng tạo ra những sản phẩm cao cấp như gạch đất nung“Đại Việt quốc quân thành chuyên” - loại gạch chuyên dùng để xây thành, các sản phẩm gốm tinh xảo như đầu rồng, mặt linh thú, bát đĩa, đồ gia dụng...

     Năm 1010, khi vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long, hàng loạt các nghệ nhân tại làng nghề Bồ Bát đã theo triều đình về đất Thăng Long xây dựng kinh đô mới, sản xuất các sản phẩm gốm sứ phục vụ triều đình và dân sinh. Những nghệ nhân này đã đến định cư tại vùng đất ven sông Hồng, nơi có đất sét tốt để sản xuất gốm sứ và thành lập nên làng nghề Bát Tràng ngày nay. Sau khi những nghệ nhân giỏi theo triều đình rời ra đất Thăng Long lập phường làm gốm mới, người dân Bồ Bát không còn giữ được nghề truyền thống, dần dần những người ở lại chủ yếu cấy lúa, làm ruộng để sinh sống và lãng quên đi cái nghề từng hưng thịnh một thời. Nghề gốm sứ ở Bồ Bát đã bị “thất truyền” từ đó.

     Năm 2001, với quyết tâm khôi phục lại nghề truyền thống của ông cha, anh Phạm Văn Vang - người con của đất Bạch Liên (xưa là Bồ Bát) ra Bát Tràng học nghề làm gốm. Với sự quan tâm, giúp đỡ của các nghệ nhân có tâm huyết ủng hộ con em tổ nghề xưa, đến năm 2011, anh Vang học thành nghề, trở về quê hương dựng nghiệp và thành lập Doanh nghiệp tư nhân gốm Bồ Bát (Nay là Công ty TNHH Bảo tồn và phát triển gốm Bồ Bát). Tuy nhiên do thời gian đầu nguồn vốn có hạn nên chưa thể mở rộng sản xuất kinh doanh, quảng bá phát triển sản phẩm gốm Bồ Bát. Nắm bắt được nhu cầu cấp thiết về vốn của Công ty, sau khi xem xét, thẩm định hồ sơ dự án, Quỹ Đầu tư phát triển Ninh Bình đã quyết định hỗ trợ vốn để công ty thực hiện dự án “ Đầu tư xây dựng xưởng sản xuất gốm Bồ Bát” với số tiền 5.000 triệu đồng để mở rộng sản xuất kinh doanh, từ đó đáp ứng nhu cầu việc làm cho người dân, mở rộng thị trường, làm cho càng nhiều người biết đến gốm Bồ Bát và thực hiện được ước mơ khôi phục và phát triển nghề gốm cổ của anh Phạm Văn Vang.

     Sau khi nhận được nguồn vốn đầu tư của Quỹ, Công ty đã tiến hành mở rộng, xây dựng xưởng sản xuất từ 300m2 lên 1400m2 nhờ đó nâng cao được hiệu quả sản xuất, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân trong vùng.

bb01

(Các sản phẩm tại khu trưng bày của TNHH Bảo tồn và phát triển gốm Bồ Bát)

bb02

(Các nghệ nhân đang trang trí họa tiết cho sản phẩm gốm Bồ Bát)

bb03

(Quỹ Đầu tư phát triển Ninh Bình tặng hoa cho Công ty TNHH

Bảo tồn và phát triển gốm Bồ Bát nhân dịp kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam)

     Với sự hỗ trợ kịp thời của Quỹ Đầu tư phát triển Ninh Bình, dưới bàn tay tài hoa của người nghệ nhân làng gốm, gốm Bồ Bát dần được phục dựng và tạo nên được chỗ đứng trên thị trường, gốm Bồ Bát không những đã nổi danh khắp cả nước mà còn vươn ra các thị trường thế giới như Mỹ, Nhật…Sự hồi sinh và sức sống của làng nghề gốm góp phần quan trọng vào việc bảo tồn các giá trị văn hóa làng xã và phát triển kinh tế địa phương. Bản thân nghệ nhân Phạm Văn Vang cũng được vinh danh Nghệ nhân Ưu tú. Công ty TNHH Bảo tồn và phát triển gốm Bồ Bát đã nhiều lần vinh dự được đón các vị Lãnh đạo Nhà nước và Lãnh đạo tỉnh tới thăm.


bb04

(Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn

công tác tới thăm mô hình sản xuất tại Xưởng sản xuất gốm Bồ Bát)

     Sự hỗ trợ của Quỹ Đầu tư phát triển Ninh Bình cho dự án “ Đầu tư xây dựng xưởng sản xuất gốm Bồ Bát” đã khẳng định vai trò của Quỹ trong việc kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các dự án, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Từ đó đóng góp một phần trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hồi sinh những giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất cố đô cổ kính, góp phần bảo tồn, lưu giữ những giá trị văn hóa lâu đời của cha ông ta./.

Tác giả bải viết: Phòng Tín dụng

Quỹ đầu tư phát triển ninh bình
3

Đường Nguyễn Bặc, phố Hợp Thành,

phường Ninh Khánh, TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình

5 0229.3891.230
4 0229.3891.230
2 quydautuphattrienninhbinh.gov.vn
1 quydtpt@ninhbinh.gov.vn
Bản đồ
Website is designed at tnweb.vn