Thống kê truy cập
Đang truy cập: 30
Trong ngày: 46
Trong tuần: 401
Lượt truy cập: 36591

TÌM HIỂU QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA TỈNH NINH BÌNH, SỰ ĐÓNG GÓP CỦA QUỸ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN NINH BÌNH TRONG 30 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN CỦA TỈNH


     Ninh Bình nằm ở cực Nam đồng bằng Bắc Bộ, cách thủ đô Hà Nội khoảng 95 km về phía Nam, là vùng ranh giới của 3 khu vực địa lý: Tây Bắc, châu thổ sông Hồng và Bắc Trung Bộ. Phía Bắc giáp tỉnh Hà Nam; phía Đông giáp tỉnh Nam Định; phía Đông Nam giáp biển Đông; phía Tây, Tây Nam giáp tỉnh Hòa Bình và Thanh Hóa. Ninh Bình nằm giao thoa giữa 3 vùng kinh tế: vùng Hà Nội, vùng duyên hải Bắc Bộ và vùng duyên hải miền Trung, với đặc thù vị trí địa lý Ninh Bình đã trở thành một cầu nối quan trọng trong giao lưu kinh tế - thương mại – du lịch và văn hóa giữa hai miền Bắc và Trung. Diện tích tự nhiên khoảng 1.387 km2, dân số khoảng 952.000 người. Ninh Bình được biết đến là nơi có nguồn tài nguyên du lịch phong phú với nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng và môi trường sinh thái tự nhiên rất có giá trị.

th01

(Tỉnh Ninh Bình trên bản đồ Việt Nam - Ảnh sưu tầm)

     Ninh Bình là vùng đất cổ, cách đây hơn 3 vạn năm, người Việt cổ đã cư trú trên mảnh đất này. Qua quá trình biến thiên của lịch sử, vùng đất Ninh Bình có nhiều thay đổi về tên gọi. Năm Minh Mạng thứ 3 (1822), đổi đạo Thanh Bình thành đạo Ninh Bình; địa danh Ninh Bình có từ đây, với ý nghĩa một vùng đất vững chãi, bình yên thể hiện ý chí quật cường, tinh thần anh dũng, quả cảm của nhân dân vùng đất này. Năm Minh Mạng thứ 10 (1829), đổi đạo Ninh Bình thành trấn Ninh Bình và đến năm Minh Mạng thứ 12 (1831), trấn Ninh Bình được đổi thành tỉnh Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình chính thức được thành lập năm 1831.

     Ngày 27/12/1975, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá V ra Nghị quyết hợp nhất tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Hà thành tỉnh Hà Nam Ninh. Ngày 26/12/1991, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá VIII ra Nghị quyết tách tỉnh Hà Nam Ninh thành 2 tỉnh Nam Hà và Ninh Bình.

     Ngày 01/4/1992, tỉnh Ninh Bình chính thức hoạt động theo đơn vị hành chính mới, gồm 5 huyện: Hoàng Long, Gia Viễn, Hoa Lư, Tam Điệp, Kim Sơn và 2 thị xã: Ninh Bình, Tam Điệp. Qua quá trình phát triển và thay đổi, hiện nay, tỉnh Ninh Bình có 02 thành phố và 6 huyện: Thành phố Ninh Bình, thành phố Tam Điệp, huyện Hoa Lư, huyện Nho Quan, huyện Gia Viễn, huyện Kim Sơn, huyện Yên Mô và huyện Yên Khánh.

th02

(Bản đồ hành chính tỉnh Ninh Bình - Ảnh sưu tầm)

     Từ một tỉnh có diện tích không lớn, Ninh Bình đã ngày càng vươn mình và phát triển mạnh mẽ. Với định hướng đúng đắn, tinh thần đoàn kết, thống nhất, sáng tạo, đổi mới, dám nghĩ, dám làm, tỉnh Ninh Bình đã xác định định hướng phát triển và quyết tâm triển khai thực hiện các giải pháp về chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu các ngành lĩnh vực; đặc biệt là chuyển dịch cơ cấu trong nội tại ngành kinh tế theo hướng xanh, ứng dụng khoa học công nghệ và tạo ra giá trị lớn.

     Kinh tế liên tục tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ từ 37,1% năm 1992 lên 88,5% năm 2021; giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp từ 62,9% năm 1992 xuống 11,5% năm 2021. Thu ngân sách đạt gần 22.100 tỷ đồng, trong đó, thu nội địa đứng thứ 16/63 tỉnh, thành phố, là tiền đề để năm 2022 Ninh Bình trở thành tỉnh tự cân đối ngân sách. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 100 nghìn tỷ đồng, đầu tàu là liên doanh ôtô Hyundai Thành Công. Nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững, gắn với thị trường. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt kết quả nổi bật, toàn tỉnh có 98,3% xã đạt chuẩn nông thôn mới, làm thay đổi hoàn toàn diện mạo nông nghiệp, nông dân, nông thôn Ninh Bình (Nguồn số liệu lấy từ Báo cáo của tỉnh).

     Các ngành dịch vụ tiếp tục phát triển, du lịch có nhiều chuyển biến chất lượng, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Ninh Bình không chỉ được tạo hóa ưu ái, ban tặng nhiều cảnh quan thiên nhiên phong phú, độc đáo mà còn là vùng đất với nhiều di tích lịch sử - văn hóa, tâm linh làm cơ sở tạo nên những sản phẩm du lịch đặc thù, có khả năng cạnh tranh và tạo nên thương hiệu riêng cho du lịch Ninh Bình như: Khu Tam Cốc – Bích Động – Tràng An – Cố đô Hoa Lư, quần thể du lịch tâm linh chùa Bái Đính, khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, vườn quốc gia Cúc Phương,… Đặc biệt, từ khi Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, đã tạo ra bước đột phá, mở ra cơ hội lớn, đưa du lịch Ninh Bình ngày càng phát triển. 

th03

(Quần thể danh thắng Tràng An - Ảnh sưu tầm)

th04

(Chùa Bái Đính - Ảnh sưu tầm)

th05

(Cánh đồng vàng tại Tam Cốc - Ảnh sưu tầm)

     Hạ tầng kinh tế - xã hội cũng được quan tâm, đầu tư, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển, nhiều tuyến đường quan trọng được đầu tư nâng cấp mở rộng, xây mới tạo sự kết nối đồng bộ giữa hệ thống giao thông quốc gia và hệ thống giao thông của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi khai thác thế mạnh các vùng sâu vùng xa, đẩy mạnh thu hút đầu tư.

     Cùng với phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hoá - xã hội được tỉnh quan tâm, đầu tư. Mạng lưới cơ sở giáo dục, y tế được quy hoạch hợp lý, cơ sở vật chất không ngừng được đầu tư, nâng cấp theo hướng hiện đạp. Đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, lĩnh vực giáo dục, y tế và các lĩnh vực xã hội khác từng bước được củng cố, phát triển, cơ bản đảm bảo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế là trung tâm, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội. Công tác giáo dục - đào tạo có chuyển biến tích cực, tỷ lệ trường đạt chuẩn Quốc gia các cấp học chiếm tỷ lệ 96,4%. Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho Nhân dân được chú trọng; thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về y tế; công tác khám, chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và chăm sóc sức khỏe nhân dân được tăng cường, đảm bảo. Công tác đảm bảo an sinh xã hội được quan tâm chỉ đạo, thực hiện kịp thời, đầy đủ các chính sách ưu đãi đối với người nghèo, người có công. Công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho người lao động được chú trọng, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt trên 66,5%; công tác giảm nghèo tiếp tục được thực hiện có hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,44%, hộ cận nghèo còn 2,05%.

     Cùng với đó, công tác quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững; hoạt động đối ngoại được mở rộng. Hoạt động cải cách hành chính, cải cách tư pháp được đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác giải quyết khiếu nại tố cáo.

     Những thành tựu đáng tự hào nói trên là kết quả của sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực cố gắng bền bỉ của toàn thể Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Ninh Bình qua nhiều nhiệm kỳ. Đây chính là tiền đề, nguồn động lực to lớn cho sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh trong chặng đường tiếp theo.

     Hòa cùng niềm vui của cả tỉnh với chặng đường vẻ vang 30 năm qua, tập thể Quỹ Đầu tư phát triển Ninh Bình cùng điểm lại và đánh giá những đóng góp của Quỹ đối với sự phát triển của tỉnh Ninh Bình: Quỹ Đầu tư phát triển Ninh Bình là một tổ chức tài chính Nhà nước ngoài Ngân sách, được thành lập và đi vào hoạt động kể từ ngày 26/12/2003 theo Quyết định số 2782/QĐ-UB ngày 26/12/2003 của UBND tỉnh Ninh Bình, có bề dày hoạt động gần 20 năm. Trong 30 năm phát triển của tỉnh Ninh Bình kể từ khi tái lập tỉnh, với sự nỗ lực của mình, Quỹ đã có những đóng góp vào sự nghiệp phát triển chung của tỉnh.

     Với chức năng cho vay đầu tư, Quỹ được cho vay các dự án thuộc danh mục lĩnh vực đầu tư, cho vay của Quỹ do UBND tỉnh Ninh Bình ban hành theo quy định.Toàn bộ các dự án đều thuộc danh mục các lĩnh vực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội của tỉnh. Một số dự án điển hình sử dụng nguồn vốn vay của Quỹ đã góp phần mang lại lợi ích lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương đồng thời còn góp phần quan trọng trong việc cải thiện đời sống vật chất và đời sống văn hóa tinh thần cho người dân như: Các dự án về Nước sạch, điện, giáo dục, văn hóa – thể thao như: Dự án Xây dựng trường mầm non Mai Thế Hệ của Công ty CP đầu tư Phúc Thành, các dự án liên quan đến đường ống nước trên địa bàn tỉnh Ninh Bình của Công ty CP cấp thoát nước Ninh Bình, dự án Đầu tư xây dựng sân vận động huyện Nho Quan của Công ty TNHH đầu tư xây dựng và thương mại Hùng Anh, dự án của Công ty TNHH bảo tồn gốm Bồ Bát, ......

     Bên cạnh chức năng cho vay đầu tư, Quỹ cũng chú trọng đẩy mạnh hoạt động đầu tư trực tiếp. Trong thời gian qua, Quỹ đã thực hiện đầu tư trực tiếp xây dựng mới 02 chợ là: Chợ Khánh Nhạc (xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh) và chợ Bút (xã Yên Mạc, huyện Yên Mô). Việc đầu tư trực tiếp vào 02 dự án chợ đầu mối nông thôn đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân, giúp các địa phương hoàn thành các tiêu chí để về đích đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới, đồng thời góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh.


th06

(Chợ Bút – xã Yên Mạc, huyện Yên Mô)

th07

(Chợ Khánh Nhạc – xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh)

     Thực hiện hợp đồng ủy thác quản lý Quỹ phát triển đất, Quỹ đang quản lý, theo dõi các dự án ứng vốn từ Quỹ Phát triển đất đảm bảo đúng quy định. Các dự án được ứng vốn kịp thời theo chỉ đạo của UBND tỉnh để giúp các huyện, thành phố trong tỉnh thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng, đấu giá quyền sử dụng đất góp phần  giúp các huyện, thành phố trong tỉnh hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch về thu tiền sử dụng đất năm 2021 đã được HĐND tỉnh giao.

     Cùng với hoạt động chuyên môn, công tác an xinh xã hội cũng được Quỹ đặc biệt chú trọng. Trong thời gian qua, Quỹ đã tham gia hỗ trợ cho nhiều đối tượng có hoàn cảnh khó khăn như: Hỗ trợ xây dựng hơn 24 nhà tình nghĩa, nhà mái ấm công đoàn, nhà khăn quàng đỏ,… với số tiền trên 1.000 triệu đồng; hỗ trợ chương trình học bổng cùng em vượt khó đến trường cho 01 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong 09 năm với tổng số tiền là 40,5 triệu đồng (4,5 triệu đồng/năm); tặng quà tết cho các hộ nghèo, chính sách, các em thiếu nhi, trẻ mồ côi khuyết tật, … có hoàn cảnh khó khăn;…..

     Đặc biệt, thực hiện Quyết định số 140-QĐ/TU ngày 01/3/2016 của Ban thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình, với vai trò là đơn vị kết nghĩa với xã Khánh Công, huyện Yên Khánh, là xã có tính chất đặc thù, Quỹ đã quan tâm hỗ trợ xã bằng nhiều hình thức như: tặng quà tết cho hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tặng trang thiết bị, cơ sở vật chất cho các trường học tại xã.

     Trong đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19, Quỹ Đầu tư phát triển Ninh Bình đã tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch đồng thời tham gia các chương trình liên quan như: Tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động đợt cao điểm quyên góp ủng hộ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 (02 đợt), cùng với ủng hộ Chương trình “Sóng và máy tính cho em”; ủng hộ bà con nông dân vùng dịch để góp phần tiêu thụ mặt hàng nông sản như: Dứa, vải, mận, nhãn,…

th08

(Hỗ trợ xây dựng Nhà khăn quàng đỏ)

th09

(Hỗ trợ chương trình học bổng cùng em vượt khó đến trường)

th10

(Hỗ trợ xây dựng “Nhà mái ấm công đoàn”)

     Kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Ninh Bình (1992 – 2022), Đảng bộ và nhân dân Ninh Bình nói chung và Quỹ Đầu tư phát triển Ninh Bình nói riêng vô cùng phấn khởi và tự hào với những trang sử hào hùng của tỉnh, tập thể Quỹ Đầu tư phát triển Ninh Bình phát huy những thành tích đã đạt được và tiếp tục phấn đấu  để có những bước phát triển mới vượt bậc, ngày càng khẳng định được vị trí quan trọng trong hệ thống công cụ tài chính của tỉnh, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh Ninh Bình./.

Tác giả bài viết: Văn phòng



Quỹ đầu tư phát triển ninh bình
3

Đường Nguyễn Bặc, phố Hợp Thành,

phường Ninh Khánh, TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình

5 0229.3891.230
4 0229.3891.230
2 quydautuphattrienninhbinh.gov.vn
1 quydtpt@ninhbinh.gov.vn
Bản đồ
Website is designed at tnweb.vn